Thứ ba, 23/02/2010 - 16:34

Xã Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh: Có một CLB doanh nhân toàn phụ nữ

"Cơn cớ" của việc chị em phụ nữ "vùng lên" lập CLB Nữ doanh nhân, theo ông Lê Xuân Tường, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, không chỉ bởi đặc thù nghề nghiệp mà còn có "truyền thống lịch sử" từ thời các bà, các cô Kinh Bắc đảm đang để lại.

Có nhiều người ví von gọi Xuân Lai là "nước Tây Nương" như trong phim Tây Du Ký. Thoạt nghe rất ít người tin nhưng ở Xuân Lai chẳng ai cãi về cái biệt danh ấy. Trong các xưởng sản xuất, chỉ toàn thấy những khuôn mặt khi nào cũng tươi roi rói và tiếng nói như ngô nổ của các chị chứ chẳng mấy khi có sự xuất hiện của "đấng mày râu".

Trước đây, khi Xuân Lai chỉ làm mỗi nghề mây tre đan thì sự tỉ mẩn và cẩn thận của các chị vẫn luôn là thế mạnh. Mấy năm lại đây, Xuân Lai làm thêm nghề may găng tay, quần áo thì cũng lại là sở trường của chị em nốt. Rồi việc bán ra, mua vào, thương lượng, mặc cả với cánh lái buôn chủ yếu cũng do chị em đảm nhiệm.

Thế là, các chị "tiếm quyền", làm chủ cơ sở luôn từ lúc nào không biết. Nhưng để thành lập được CLBNDN không phải dễ dàng. Trước đây chị em trong thôn rất ít khi để lộ kinh nghiệm, các mối hàng chứ chưa nói đến việc giúp đỡ hợp tác với nhau để cùng làm ăn.

Vì thế, các cơ sở sản xuất mây tre đan trong làng cứ thế mà làm, nhà nào không biết nghề phụ, không có mối tiêu thụ hàng thì vẫn phải chấp nhận trung thành với nghề nông. Cho nên, những năm trước Xuân Lai chẳng hiếm cảnh "kẻ ăn không hết, kẻ lần chẳng ra".

Ngay cả những gia đình sản xuất, kinh doanh phát đạt cũng không bắt tay nhau. Có những chị em dắt được nhiều mối, đơn hàng không nhận hết nhưng cũng không bao giờ "xì" ra cho nhà khác làm. Rồi các mối nhập tre nguyên liệu dồi dào với giá rẻ, nhà nào biết cũng im ỉm khai thác một mình.

Thậm chí, có những gia đình vì cạnh tranh trong kinh doanh đã dẫn đến xích mích, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.

Chị Nguyễn Thị Thao, chủ nhiệm CLB cho biết: "Trước năm 2003, trong các nhóm chị em thường qua lại với nhau, một số người đã đưa ra ý kiến thành lập hội rồi, những ý kiến về mô hình CLBNDN cũng được đưa ra bàn luận trong các cuộc họp của Chi hội Phụ nữ thôn.

Tất nhiên, vì thấy cần thiết, nhiều chị em đã đồng ý. Nhưng những ngày đầu cái tư duy "gò bó" trước đây vẫn chưa được cởi trói hoàn toàn nên nhiều chị em thấy đến họp bàn luận sôi nổi nhưng khi đăng ký thành viên lại chẳng thấy đâu. Bởi vậy, CLBNDN thôn Xuân Lai thành lập ban đầu chỉ vỏn vẹn 21 hội viên".

Mỗi thành viên muốn gia nhập CLB bắt buộc phải đóng lệ phí ban đầu. Số tiền này sẽ được tập hợp lại và giao cho thành viên trong CLB đang khó khăn nhất vay với lãi suất thấp. Tiền lãi sẽ được dùng vào kinh phí hoạt động của CLB. Vì thế, nói như chị Thao, tác giả của cách góp quỹ này thì tiền quỹ "đến chết vẫn còn".

Không chỉ trợ giúp nhau về mặt kinh tế, việc các chị em họp mặt với nhau trong CLB thực sự đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các thành viên CLB đã thoát nghèo rồi giàu lên chính nhờ tham gia vào CLB này.

Chẳng hạn như chị Trần Thị Hoa, khi chưa vào CLB, nhà chị là gia đình thuần nông, thiếu thốn. Nhờ vay được 5 triệu đồng của chị em trong CLB mà hiện nay chị đã mở được xưởng sản xuất.

Vừa rồi, chị còn được chị Nguyễn Thị Thuý (thành viên tiêu biểu nhất của CLB đang tiến hành thành lập công ty ngay giữa thôn Xuân Lai) đưa thợ sang để hướng dẫn làm sản phẩm tranh tre. Với cách làm ăn mới này, cơ sở sản xuất của chị Hoa hứa hẹn sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở may thủ công của "bà chủ" Nguyễn Thị Phúc, một thành viên có tiếng là kinh doanh phát đạt, giúp đỡ được nhiều chị em cùng làm nghề may trong CLB.

Vừa may nốt cái găng tay, chị vừa khoe mới nhận được một đơn đặt hàng lớn từ một đại lý ở Thanh Hoá, 1 tháng nữa sẽ phải giao hàng. Với số máy móc và công nhân như hiện nay chắc chắn sẽ không kịp ngày trả hàng nên mấy ngày nay, chị đang huy động chị em trong CLB cùng đảm nhận.

Ông Lê Xuân Tường, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai tỏ ra rất phấn khởi bởi xưởng sản xuất của các chị không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho lao động ngay tại địa phương mà thông qua các hoạt động của CLB, chính quyền xã có thể lồng ghép các nội dung tuyên truyền từ bảo vệ môi trường, giáo dục, dân số cho đến việc phổ biến "đặc sản" quan họ của xã.

Cũng theo ông Tường, các chị em hoạt động trong CLB không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn đảm nhận tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình. Với điều kiện kinh tế khấm khá nên con cái các chị đều được lo ăn học chu đáo. Còn với chồng, các chị vẫn là những người vợ hiền hết mực Xã Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh: Có một CLB doanh nhân toàn phụ nữ

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến