Thứ sáu, 21/01/2011 - 11:24

Mây tre đan Phú Vinh vươn ra thị trường thế giới

Cách trung tâm Hà Nội 27km theo hướng Tây-Nam, là làng mây tre đan Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ luôn tự hào là các sản phẩm “made in Viet Nam” do người dân trong làng làm ra đã có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới.


Lưu giữ nghề truyền thống


Năm 2002, làng Phú Vinh chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng nghề mây tre đan của Phú Vinh, với tên gọi cũ Phú Hoa Trang đã được biết đến gần 400 năm nay. Với truyền thống lâu đời, ở Phú Vinh nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề.

Cha truyền con nối, học nghề theo lối “cầm tay chỉ việc” nên bao đời nay người Phú Vinh vẫn sống chết với nghề mây tre đan, người làm nghề, nghề cũng giúp cho nhiều gia đình trong làng đổi đời, sung túc.

Trước đây, sản phẩm từ mây tre của người dân trong làng chủ yếu là những thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày một cao nên những sản phẩm mỹ nghệ từ mây tre đan như các đồ vật trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối cũng theo đó đã ra đời.

Để có một sản phẩm hoàn thiện, các công đoạn sản xuất mây tre đan đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu. Đối với mặt hàng này nguyên liệu chính là cây song, cây mây. Cây mây phải chọn cây có gióng đều, thông thường phải đạt độ dài năm mét, khi chẻ và đan mới dễ dàng.

Tuy nhiên, cây mây lớn rất chậm, mỗi năm chỉ dài được một mét. Như vậy, mỗi cây mây từ ngày trồng đến ngày thu hoạch phải mất tới năm năm. Cây mây non hay già thì chất lượng đều kém. Cây non quá, sản phẩm dễ bị mốc, khi chẻ mây dễ bị ọp còn cây già quá khi chẻ dễ bị xơ, đan sẽ không đẹp.

Mây và tre đều là loại cây có chất đường nên dễ bị mọt ăn, chính vì vậy khâu xử lý nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Mây tre mua về sau khi lựa chọn được đem đi sấy.

Ở làng nghề, dân làng sử dụng phương pháp thủ công sấy mây tre trong lò kín, phương pháp này giúp loại bỏ lượng đường trong nguyên liệu, sản phẩm không bị mối mọt mà lại có độ bền chắc. Khi sấy, khói nhiều quá hay ít quá mây cũng bị đỏ, nếu làm đúng kỹ thuật mây tre được sấy sẽ có độ trắng sáng đẹp mắt.

Sau đó, mây sẽ được đem ra chẻ thành các nan mỏng. Chẻ nan mây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành bẩy hoặc chín nan mỏng.

Đối với kỹ thuật chẻ nhiều nan mỏng đều tay thì phải người thợ có kinh nghiệm mới làm được. Thân cây mây là thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên chẻ không khéo sẽ bị lạng chỗ dầy, chỗ mỏng. Với cách chẻ lột, người thợ sẽ có cách lấy được cả phần cật và lõi của cây mây.

Người thợ khi làm phải bảo vệ ngón tay cái và ngón trỏ bằng vải bọc vì sợi mây tuy mềm mại nhưng sau khi chẻ nhỏ lại có cạnh rất sắc.

Sau công đoạn chẻ, các nan được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng. Bàn chuốt được người làng nghề tự tạo nên hết sức đơn giản, chỉ bao gồm một tấm sắt tây, đục nhiều lỗ kích thước khác nhau được kẹp bằng bốn đoạn tre.

Mây sau khi chuốt được phơi ngoài nắng cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. Nan mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không thể sao nhãng và phải liên tục săn sóc.

Mây phơi khô lại tiếp tục được nhúng vào nước rồi đem đi sấy thêm một lần nữa. Mục đích của việc nhúng nước này là làm cho sợi mây có độ dẻo, tiếp tục cho vào sấy sẽ khiến sợi mây dẻo và mềm hơn.

Để cho sản phẩm có độ đa dạng về mầu sắc, người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo mầu riêng. Các nan mây sau khi chẻ, phơi khô, sấy sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi.

Sợi nan được nhúng vào nước khoảng 15-20 lần sau đó phơi trong nắng cho khô. Các nan nhúng nước sồi sẽ có mầu vàng đều. Muốn mầu đen óng ả, các nan mây được đem ngâm bùn ao từ ba đến năm ngày.

Đây là cách tạo mầu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền mầu cao tới 30-40 năm.

Vươn mình ra thế giới

Trước đây, đồ mây tre do người dân Phú Vinh sản xuất chủ yếu là để tự phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của cư dân quanh vùng. Ngày nay, Phú Vinh có hơn 400 hộ làm nghề với gần một triệu lao động chiếm 90% số hộ trong làng.

Hàng chục người dân làng nghề đã mạnh dạn lập công ty, doanh nghiệp hay tổ hợp gia đình để làm giàu và phát triển mặt hàng truyền thống này. Nhờ đôi bàn tay khéo léo cùng sự nhạy bén, năng động, phát huy lợi thế kinh nghiệm làm nghề lâu năm, nhiều người trong làng đã xây dựng cho mình được cả cơ nghiệp vững vàng, ổn định, đầy đủ tiện nghi.

Trong suốt nhiều năm qua, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã chiếm được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Người Phú Vinh tự hào là sản phẩm của làng có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới và chen chân được vào cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc.

Sản phẩm thủ công mây tre đan của Phú Vinh hấp dẫn thị trường nước ngoài bởi từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên như mây và tre, phương pháp thủ công, qua bàn tay những người thợ tài hoa lại làm ra những sản phẩm hết sức hiện đại, có giá trị sử dụng và thẩm mỹ cao.

Các nghệ nhân trong làng thường truyền cho lớp con cháu về kinh nghiệm của những người đi trước, muốn sống và tồn tại với nghề luôn phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Làm mây tre đan, đối với những sản phẩm đơn giản chỉ đòi hỏi ở người thợ sự chăm chỉ, cẩn thận, tuy nhiên để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đòi hỏi sự tinh xảo, nghệ thuật là mong muốn mà người dân Phú Vinh đang hướng tới, phải do những người thợ có bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, tận tâm với nghề mới làm nên được.

Chính vì vậy, người Phú Vinh không ngừng tìm tòi, sáng tạo đã liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, đề cao chất lượng để giữ chữ tín với khách hàng. Từ các cách đan truyền thống là đan nong mốt, nong đôi, nong ba, với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, người làng mây tre Phú Vinh đã sáng tạo hàng trăm cách đan khác nhau như đan xương cá, kết hình hoa và kết hợp màu sắc, tạo hình hoa văn nổi, tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.

Bên cạnh thị trường nước ngoài rộng mở, hiện nay người Phú Vinh cũng đang tiếp tục chinh phục thị trường nội địa tiềm năng. Với tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” người dân Phú Vinh hy vọng sức mua của người dân Việt Nam, vốn từ lâu đã rất quen thuộc với các sản phẩm mây tre đan, sẽ là một lối đi mới cho làng nghề.

Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, người dân Phú Vinh đã đem công sức và kỹ thuật, độ tinh xảo của mình để đan một chiếc bình khổng lồ. Đây là món quà của làng nghề bằng tài hoa tâm huyết của mình dâng lên dịp kỷ niệm Đại lễ.

Chiếc bình có độ cao 4,1m được đan với nhiều cách đan khác nhau, trên bề mặt có nhiều hoa văn, biểu tượng của văn hóa Việt Nam nghìn năm lịch sử. Với tạo hình bề mặt của bình là chùa một cột, tháp rùa và văn miếu người dân làng nghề mây tre đan Phú Vinh muốn gửi đến một thông điệp cho thế hệ mai sau là bảo tồn và lưu giữ các giá trị truyền thống./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến