Thứ sáu, 21/01/2011 - 11:24
"Làng tỉ phú" mây tre đan ở Hà Nội: Đang chờ vay vốn
Xã Phú Túc (Phú Xuyên - Hà Nội) từng được ca ngợi là "làng tỉ phú" nhờ có nghề xuất khẩu mây tre đan.
Nhưng nay, hàng trăm cơ sở sản xuất đang phải "đắp chiếu" hoặc sản xuất cầm chừng, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được vẫn ứ đọng trong kho, hàng nghìn lao động không còn việc làm… Các doanh nghiệp thì đang "kêu trời" vì đã cạn vốn trong khi nguồn vốn hỗ trợ lãi suất chưa tiếp cận được…
Đình trệ sản xuất
Về Phú Túc bây giờ không còn cảnh mây, giang, cỏ tế… phơi đầy đường, chèn hết cả lối đi. Càng vào làng, không khí sản xuất càng èo uột. Ngay tại thôn Lưu Thượng, trung tâm của làng nghề mây tre đan, cũng chỉ còn lác đác vài hộ gia đình còn đan mây, cỏ tế. Cả xã có 9 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã thì nay chỉ còn 3 đơn vị vẫn tiếp tục sản xuất với mức độ cầm chừng.
Ông Nghiêm Quang Vinh - Phó trưởng phòng Công thương huyện Phú Xuyên cho biết: "Cả huyện có 37 làng nghề thì Phú Túc chịu ảnh hưởng nặng nhất của khủng hoảng kinh tế do các mặt hàng ở đây chủ yếu đem xuất khẩu nước ngoài. Thị trường truyền thống (Nga, Đông Âu) đã suy giảm sức mua nghiêm trọng, từ 50-60%. Các đơn đặt hàng cũ đều bị huỷ bỏ hoặc lấy với số lượng ít hơn nhiều lần khiến các doanh nghiệp tồn đọng hàng, một số đơn vị đã buộc phải đóng cửa sản xuất".
Lượng hàng tồn đọng trong kho của Công ty TNHH Tiến Vũ lên tới 60-70% khiến xưởng sản xuất thưa thớt lao động.
Doanh nghiệp Hiền Lương, một đơn vị sản xuất lớn tại Phú Túc cho hay: Từ đầu năm tới giờ, chúng tôi mới chỉ nhận được 8 đơn đặt hàng, với số lượng hàng rất ít, giảm 40% so với năm ngoái. Khó khăn nhất vẫn là những hộ sản xuất cá thể với qui mô nhỏ. hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh không còn việc làm.
Ông Bùi Hồng Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc cho biết: Toàn xã có 1.978 hộ dân, trong đó hơn 90% đều làm mây tre đan. Thủ công nghiệp chiếm 71% cơ cấu kinh tế địa phương. Cả 8 thôn của xã đều được công nhận là làng nghề. Từ cuối năm 2008, cụm làng nghề Phú Túc rơi vào khủng hoảng...
Các doanh nghiệp cần được giải cứu
Để tránh đóng cửa sản xuất, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó. Trước hết là việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. Thị trường truyền thống (Nga, Đông Âu) vẫn được chú trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã hướng tới những thị trường mới: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nam Mỹ…
Thêm vào đó, việc cải thiện mẫu mã, quảng bá sản phẩm, hạ giá thành… cũng được nhiều doanh nghiệp chú ý. Để giảm giá thành, những nguyên liệu đắt tiền như mây, giang… đã được thay thế bằng các loại rẻ tiền hơn như cỏ tế, bèo tây, bẹ ngô… Doanh nghiệp Tiến Vũ cũng đã lập trang web riêng (tien.roo) để giới thiệu, quảng cáo sản phẩm của mình qua internet.
Tuy nhiên, trong thời gian này, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất. Doanh nghiệp Hiền Lương cho hay, vì nhiều thủ tục rườm rà mà cho tới nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ. Hiện tại doanh nghiệp sản xuất không có lãi.
"Nếu Nhà nước không hỗ trợ khẩn cấp, chúng tôi sẽ phải ngừng sản xuất" - chị Nguyễn Thị Lương, chủ doanh nghiệp Hiền Lương cho biết.
Anh Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh mây tre Phú Tuấn bày tỏ: Hiện tại, tình hình sản xuất của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đang tăng cao, các đơn đặt hàng đều chậm thanh toán khiến công ty đang có nguy cơ cạn vốn sản xuất. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, chúng tôi mới chỉ tiếp cận được 20%...
Thời gian hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi rất ngắn (từ 8 tháng đến một năm) đã khiến các doanh nghiệp không đủ thời gian quay vòng. Để giải cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà nước nên hỗ trợ bằng các nguồn vốn trung và dài hạn.
Thủ tục cho vay cũng cần được thực hiện nhanh gọn, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. Với những biện pháp hỗ trợ tích cực, làng nghề mây tre đan Phú Túc sẽ sớm phục hồi sản xuất. Hà Nội sẽ vẫn còn một… làng tỉ phú