Thứ ba, 23/02/2010 - 16:34

Đứng vững nhờ nội lực

Từ một cơ sở nhỏ, HTX mây tre đan Xuân Lai đã từng bước đi lên, trở thành một trong ba cơ sở lớn nhất của làng nghề Xuân Lai (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Trong đó, yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của HTX chính là nội lực.

Anh Lê Văn Xuyên, Chủ nhiệm HTX, kể lại: Cách đây hơn chục năm tôi và gia đình cũng chỉ làm nhỏ lẻ theo kiểu “cò con” thôi, ở đâu cần hàng là chở đến nơi, sản phẩm chủ yếu là những vật gia dụng đơn giản như giát giường, mành, thang, sào…Tuy nhiên do địa bàn tiêu thụ nhỏ hẹp và giá trị sản phẩm không cao nên cuộc sống rất chật vật.
 
Sinh ra và lớn lên tại Xuân Lai, thấy được nguy cơ làng nghề có thể bị mai một, anh Xuyên rất trăn trở suy nghĩ. Nhận thấy nhu cầu thị trường về các mặt hàng trang trí nội ngoại thất bằng mây, tre, trúc, nứa, ... đang tăng nhanh, nhất là những sản phẩm như giường tủ, trường kỷ, bàn ghế, tranh tre, anh đã dày công tìm hiểu thị trường, kể cả thị trường cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Anh đã đi đến tận các cánh rừng khai thác vật liệu tre, trúc, nứa, luồng... để tìm hiểu quá trình sinh trưởng, phát triển của những loại cây này...Gần 10 năm lăn lộn tại các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Kạn, anh đã thu thập được lượng kiến thức khá lớn về các loại nguyên vật liệu và quyết định trở về lập nghiệp tại quê nhà, thoả mãn niềm đam mê bấy lâu nay.
 
Năm 2000, huy động toàn bộ vốn của gia đình, vay mượn của anh em, bạn bè, họ hàng được 30 triệu đồng, anh Xuyên mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thuê thợ và thành lập tổ sản xuất. Ban đầu anh vẫn sản xuất các sản phẩm truyền thống của Xuân Lai như như giường, tủ, bàn, ghế... nhưng nhờ có nguyên liệu chất lượng tốt, giá rẻ, mẫu mã được thiết kế phong phú, vừa kết hợp nét truyền thống, dân dã lại vừa có nét duyên dáng, hiện đại, phù hợp cho mọi đối tượng người tiêu dùng. Tháng 02-2004 cơ sở sản xuất của anh được UBND huyện ra quyết định thành lập hợp tác xã với tên gọi HTX mây tre đan xuất khẩu Xuân Lai. Theo anh Xuyên, việc thành lập HTX tạo ra mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, huy động được nội lực của người dân làng nghề qua đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Qua gần 3 năm hoạt động, hiệu quả mang lại của mô hình HTX đã được chứng minh. Hiện nay HTX đã có 10 điểm sản xuất với tổng diện tích sử dụng 1.500 m2, sản phẩm do cơ sở sản xuất đã có mặt ở một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Bỉ, Australia, Ukraine…trong đó chủ yếu là thị trường EU, thị trường trong nước là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Điện Biên...
 
Anh Xuyên cho biết, HTX xác định rõ để đứng vững được bằng sức mình thì đầu tiên phải giữ uy tín về chất lượng. Anh tâm sự: “Nhiều lúc giá nguyên liệu tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá đã ký hợp đồng, với những hợp đồng lớn chúng tôi cũng phải huy động công nhân làm thêm giờ để kịp thời hạn giao hàng. Cho đến nay chưa có khách hàng nào mua sản phẩm của HTX Xuân Lai không hài lòng về chất lượng”. Để có được điều đó, HTX luôn chú trọng đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động. 42 lao động chính và 18 lao động phụ tại các hộ sản xuất nhỏ thường xuyên được hướng dẫn cách chọn nguyên liệu, cách hun tạo màu và chống mối mọt, đặc biệt HTX đang từng bước đào tạo CNTT cho đội ngũ thợ thiết kế mẫu mã. Đến nay, toàn bộ đội ngũ thợ của HTX đều thành thạo tay nghề. Theo anh Xuyên đánh giá: “Đó là một trong những thành công lớn nhất của chúng tôi vì sản phẩm thủ công mỹ nghệ phụ thuộc nhiều vào tay nghề của người thợ”.
 
Hiện tại, HTX đang tập trung huy động thành viên mở rộng sản xuất, đa dạng hoá hơn nữa mẫu mã sản phẩm. HTX cũng đang cùng với các ban, ngành chức năng của huyện Gia Bình xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tre trúc Xuân Lai nhằm tạo sức bật mới cho làng nghề đã có hàng trăm năm tuổi này.
Theo BBN
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến