Thứ Tư, 21/07/2010 - 17:22

Chuyện về làng mây tre đan Tăng Tiến

Về xã Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang), hỏi bất cứ một cụ già nào rằng nghề mây tre đan có tự bao giờ thì cũng đều nhận được một câu trả lời: “Từ xa xưa, cha ông truyền lại, chẳng ai còn nhớ nổi nữa”. Những đứa trẻ trong xã khi bắt đầu học chạy nhảy, nô đùa cũng là lúc học đan lát. Cứ thế, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, nghề mây tre đan như ăn vào máu thịt, vào khả năng bẩm sinh của mỗi người.

Từ nghề phụ…

Không kể người già, người trẻ; đàn bà, đàn ông, hễ sinh ra trên mảnh đất này, ăn hạt gạo, uống nguồn nước nơi đây mà lớn lên thì đều thành thục việc đan lát. Từ bàn tay xù xì, già nua đến bàn tay “măng non” nhỏ xíu đều lướt thoăn thoắt trên những nan tre mềm mại như một nghệ sĩ có nghề.

Cả 5 thôn trong trong xã đều gắn bó với nghề đan lát truyền thống nhưng nó vẫn chỉ được coi là nghề phụ khoảng hơn chục năm trở về trước. Là một xã thuần nông, người dân nơi đây lấy canh tác nông nghiệp làm nghề chính. “Nông dân tách khỏi cây lúa thì chỉ có nước chết đói”, cụ Khiêm (thôn Phúc Long) khẳng định. Chả thế mà nhà nào cũng đan lát nhưng mỗi nhà chỉ có vài ba chiếc rổ, chiếc rá hay cái quạt nan… mang đi bán mỗi phiên chợ huyện "gọi là kiếm đồng ra, đồng vào lúc nhàn rỗi".

…Lên nghề chính

Người đầu tiên dám mang nghề dệt tăm lụa về xã để phát triển nghề đan lát truyền thống là anh Đinh Văn Tỉnh hiện là chủ nhiệm HTX Mây tre đan Tăng Tiến. "Bà con xã mình quanh năm lam lũ với đồng ruộng mà vẫn nghèo khó, đời sống chật vật. Tình cờ tôi biết được nghề dệt tăm lụa, nghĩ thấy có thể mang về xã mình phát triển được bởi xã có nghề mây tre đan truyền thống. Thế là tự học hỏi, mày mò, tôi quyết định mở xưởng sản xuất mây tre đan đầu tiên trong xã", anh Tỉnh kể lại. Nhờ sự mạnh dạn, ban đầu xưởng của anh rất nhỏ nhưng đến nay nó đã trở thành một HTX lớn ăn nên làm ra, ngày càng phát triển.

Từ khi HTX mây tre đan của anh Tỉnh ra đời, toàn bộ bà con trong xã chuyển dần sang nghề đan lát là chính. Sản phẩm bà con đan chủ yếu là rá tre và tăm lụa. Tất cả đều bán cho cơ sở của anh Tỉnh. Anh Nguyễn Vũ Bình (thôn Phúc Tằng) cho biết: “Công việc đồng áng thực ra chỉ bận vài ba ngày lúc vụ mùa nên tất cả thời gian còn lại gia đình tôi đều đan rổ, rá”. Một gia đình có bốn người như nhà anh Bình (hai vợ chồng cùng với hai đứa con học cấp II đều có thể đan được) thì thu nhập được khoảng 200 nghìn đồng/ ngày. Giờ đây anh đã xây được một ngôi nhà khang trang, rộng rãi; sắm đầy đủ ti vi, tủ lạnh, xe máy… Những thứ anh chưa hề mơ ước đến khi chỉ trông chờ vào làm ruộng. Công việc ổn định, thu nhập đều đặn số tiền dư anh chị gửi tiết kiệm cho con cái ăn học sau này. Đời sống của hầu hết các hộ trong toàn xã đều cải thiện rõ rệt như gia đình anh Bình.

Một chiếc rá tre thành phẩm được thực hiện trải qua khá nhiều khâu: mua cây dùng (một loại cây họ với cây trúc), chẻ nan, đan mê, cạp, nức. Trước đây, mỗi nhà tự thực hiện tất cả các khâu trên để có một chiếc rá hoàn chỉnh mang đi bán ở phiên chợ. Giờ đây, cách làm việc chuyên môn hoá đã được bà con học hỏi, áp dụng không e ngại, dè dặt như bản chất ngại tiếp cận cái mới của người nông dân nữa: “Mỗi gia đình thực hiện một khâu, năng suất vừa cao lại chất lượng cũng tốt hơn”, bác Thơm (xóm Chằm) vui vẻ kể.

Mỗi hộ gia đình, từ cụ già đến trẻ nhỏ đều say mê với nghề truyền thống này. Ngoài việc đi học, em Thái (13 tuổi) cũng có thể phụ giúp bố mẹ tăng thêm thu nhập rất nhiều. Một ngày chủ nhật, Thái có thể đan 200 mê/ngày, giá 500-600 đồng/mê. Thái được các bạn gọi là tay đan cừ khôi, bàn tay bé xíu của em như nhảy nhót theo nhịp cùng với những chiếc nan tre đẫ được chẻ nuột nà. Như vậy, ngày cuối tuần một em nhỏ có thể kiếm được 100 nghìn đồng phụ giúp gia đình.

Các cụ già tuy không tinh nhanh bằng các cháu nhưng cũng đan được khoảng 60-70 mê/ngày. Nghề đan phát triển, mỗi con người trong xã đều trở thành những công dân hăng hái tham gia lao đọng sản xuất, đặc biệt công việc đan lát không hề quá sức với trẻ con hay cụ già. Những chiếc mê ấy được bán lại cho các hộ chuyên cạp và nức. Khi thành một chiếc rá hoàn chỉnh, họ sẽ gom thu lại, bán cho HTX của anh Tỉnh.

Hiện nay, cùng với nghề đan rá, xã cũng phát triển nghề chẻ tăm lụa. “Những chiếc tăm chẻ từ cây dùng, dài từ 30-80 cm mềm mại nên được gọi là tăm lụa”, chị Tĩnh (xóm Chùa) giải thích. Học chẻ tăm lụa không hề đơn giản. Nghề chẻ tăm lụa mới xuất hiện tại xã khoảng gần chục năm nay. Hiện chưa có một chiếc máy nào có thể thay thế công việc chẻ tăm lụa thủ công. Chỉ những đôi bàn tay khéo léo của con người nơi đây mới có thể chẻ ra được những chiếc tăm dài óng ả như sợi vải lụa. Một người chẻ tăm giỏi khoảng 5 kg/ngày, người chẻ bình thường cũng được 3 kg/ngày. HTX của anh Tỉnh thu mua với giá 22.000 đồng/kg. Thu nhập từ việc chẻ tăm cũng không hề thua kém nghề đan rá truyền thống.

Những chiếc tăm lụa ấy được anh Tỉnh thu mua và dệt thành những mảnh rèm rất đẹp mắt, dùng để trang trí nội thất. Cả xưởng dệt của HTX có gần 100 máy dệt với gần 100 công nhân với thu nhập bình quân 1-1,2 triệu đồng/ tháng.

Sản phẩm rá tre và mành rèm đều được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản và các nước Tây Âu. Từ một cơ sở sản xuất của anh Tỉnh, đến nay toàn xã đã có thêm 5 cơ sở khác. Mỗi cơ sở ra đời tạo thêm hàng trăm công ăn việc làm cho người dân trong xã Tăng Tiến và các xã lân cận. Hơn nữa, với doanh thu bình quân của các cơ sở 400-500 nghìn USD/ năm cũng đóng góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển nông thôn.

Mô hình sản xuất phát triển nghề truyền thống ở xã Tăng Tiến trở thành gương điển hình tiên tiến cho các làng nghề khác cùng tham khảo, học tập. Hiện nay, cả nước có nhiều làng nghề dường như đang “mất” dần. Các địa phương quan tâm đầu tư quỹ khuyến nông hơn tới việc giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống.
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến