"Cây tre gắn bó máu thịt với con người Việt Nam qua bao đời nay. Tre có tính tạo hình (phù điêu), màu sắc tự nhiên, bền chắc nhưng dáng cong cong mềm mại. Ngoài cái đẹp của hình khối, màu sắc..., tranh tre lung linh bởi chính là hồn cốt làng quê Việt được đưa vào tranh bằng nguyên liệu chính là... tre" - Nguyễn Thị Phi Vân, trưởng nhóm thợ làm tranh tre mỹ thuật của Công ty CP Hoàng Quốc (KCN Trường Xuân, TP Tam Kỳ - Quảng Nam), tự hào khi giới thiệu về dòng tranh độc đáo này.
Đưa "hồn Việt" vào tranh
Làm tranh tre cũng giống như các dòng tranh nghệ thuật khác là cần sự tỉ mẩn, bên cạnh óc thẩm mỹ, đôi bàn tay tài hoa của người thợ - nghệ sĩ. Từ một cô gái "tay ngang", Nguyễn Thị Phi Vân cùng 4 nhân viên được công ty cử đi "tầm sư học đạo" tận Mai Hiên, Đông Anh (Hà Nội). Sau một năm theo nghệ nhân Nguyễn Kim Xuân miệt mài cưa ghép, học cách phối màu sáng tối, mài dũa, Phi Vân và các bạn đã học… thành nghề và được “truyền: cả khát vọng đưa tre vào tranh nghệ thuật.
Về TP Tam Kỳ, Phi Vân cùng nhóm bạn bắt tay vào sáng tạo tranh tre. Những bức tranh khổ nhỏ kích cỡ 15 cm X 20 cm, với hoa lá, chim bướm bằng chất liệu tre ra đời. Được mọi người khen tặng, lãnh đạo động viên, nhóm của Phi Vân mạnh dạn làm những bức tranh khổ lớn, kích cỡ 40 cm X 100 cm, vơi những đề tài mở rộng hơn mang cảnh sắc làng quê, chùa chiền, thiếu nữ... Càng vào nghề, tranh tre càng đẹp, thu hút được nhiều người thưởng lãm và tiếp thêm động lực sáng tạo khiến nhóm của Phi Vân càng miệt mài bên xưởng vẽ.
Tre nguyên liệu làm tranh có tên dân gian là "tre ma", được lấy từ vùng rừng núi Bắc Kạn, màu sắc rất tự nhiên và đa dạng, gồm: xanh, vàng, trắng... Lóng tre được chẻ ra làm 4 mảnh, lấy phần cật rồi dùng hóa chất hữu cơ xử lý lưu màu tự nhiên trước khi phơi sấy.
Công đoạn làm tranh tre cũng không khá cầu kỳ và phức tạp. Họa sĩ tạo hình bức tranh trên giấy với đường nét "mộc", thợ làm tranh sẽ cưa cắt, mài dũa những mảnh cật tre để ghép lên bức tranh hoàn chỉnh. Tài năng của người thợ chính là khả năng tiên lượng số mảnh ghép, cách phối màu đê bức tranh toát lên vẻ mềm mại, thanh thoát.
Làng quê, chất liệu bằng tre của tranh tre Hoàng Quốc.
Sau đó, người thợ sẽ dùng keo dán định hình các mảnh ghép lên vải nhung "đóng khung" cho bức tranh. Mo cau, lá cây, thân đu đủ... sẽ được làm những chi tiết, giúp cho bức tranh thêm sống động.
Mơ về làng nghề truyền thống tranh tre
Xem tranh tre nghệ thuật như lạc vào thế giới cõi thực và mơ. Làng quê Việt thuần hậu với nếp nhà tranh, cây đa, giếng nước, sân đình, những trẻ mục đồng đánh đáo, bắn bi, những khúc ru ngọt ngào trên nhọc nhằn lưng áo mẹ, cái điếu cày trầm tư khắc khổ của cha... như tiềm thức khắc họa vào tranh tre hồn hậu chân chất.
Tranh tre Hoàng Quốc có nhiều bức tranh thiếu nữ đẹp rất đẹp. Suối tóc nâu đen dài chảy trễ tràng xuống yếm, lồ lộ hai bầu nhũ hoa non tròn sau cánh tay ngà cùng cái váy chung chiêng bằng... mo cau rất "hớ hênh" của "thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng"... Những bức tranh này, thợ giỏi nghề như Phi Vân cũng mất hơn 10 ngày mới làm xong.
Đề tài trong tranh tre Hoàng Quốc khá đa dạng, đặc biệt là nhiều tranh về đề tài dân gian phỏng tranh Đông Hồ. Giám đốc Công ty CP Hoàng Quốc Huỳnh Quốc Trung, cho biết: Công ty đang triển khai dự án làm tranh tre về phố cổ Hội An, chùa Cầu, thánh địa Mỹ Sơn... Trong năm 2008, công ty sẽ phát triển thêm 50 thợ làm tranh tre. Tranh tre Hoàng Quốc cũng đã đăng ký thương hiệu. Đó là cách để "định vị" một dòng tranh tre mang "hương sắc Quảng Nôm".
Chùa Cầu, tác phẩm độc đáo của tranh tre Hoàng Quốc
Ông Trung cho biết: "Cùng với việc mở rộng cơ sở, xây dựng dự án làng nghề truyền thống, tranh tre nghệ thuật Hoàng Quốc - Quảng Nam đã và đang được quảng bá tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng...; đồng thời cũng đang xúc tiến giới thiệu sang Nhật Bản, Hàn Quốc".
Tết Mậu Tý này, tranh tre Hoàng Quốc được chào bán ở hầu hết các điểm du lịch lớn trong cả nước. Tại khu phố ẩm thực mừng xuân ở TP Tam Kỳ, điểm bày bàn tranh tre Hoàng Quốc thu hút đông du khách, bởi ở đó, họ không chỉ thưởng thức các món ăn thuần Quảng mà còn được thưởng lãm tranh tre.
Tranh tre nghệ thuật Hoàng Quốc đẹp, dân dã nhưng kiêu sa, Ẩn trong đường nét, hình khối, màu sắc của bức tranh tre là hồn quê Việt với những rặng tre xanh vi vút tiếng sáo diều... Đặc biệt, tranh tre không "kén" người chơi bởi giá "mềm", chỉ khoảng 1/5 so với tranh sơn mài và 1/10 so với tranh thêu, tác phẩm khổ 15 cm x 20 cm có giá khoảng 100.000 đồng/tranh, nếu chọn khổ lớn thì giá tranhcũng chỉ ở mức trên dưới 1 triệu đồng.