Thứ Tư, 21/07/2010 - 17:22

Hồn dân tộc trong tranh tre Cần Kiệm

Được tận mắt chiêm ngưỡng, chạm tay vào từng đường nét trong các bức tranh treo la liệt trên tường nhà ông Phùng Trung Sáu, ai nấy ngỡ ngàng nhận ra đó chính là những mảnh cật tre nhỏ xíu với đường nét tinh xảo, còn nguyên sắc màu mộc mạc được ghép thành tác phẩm nghệ thuật, khiến người xem cảm nhận như chính hồn dân tộc Việt đang lắng đọng ở đây.

Chẳng biết tự bao giờ, cây tre đã trở nên thân thiết với người dân đất Việt như một sự bình dị, dẻo dai, luôn vươn lên xanh tươi dù ở nơi đất cằn, sỏi đá. Chính vì vậy, trong các loại hình nghệ thuật, cây tre luôn được tôn vinh như một biểu tượng đẹp của dân tộc Việt Nam. Và dường như hình tượng cây tre là nguồn cảm hứng bất tận để nghệ sĩ gửi gắm tâm hồn và tư duy sáng tạo trong nghệ thuật. Và tranh tre là một loại hình như thế.

Hiện nay, ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất), có một tổ hợp khoảng 15 người, chuyên làm ra những tác phẩm tranh tre, cung cấp cho thị trường trong, ngoài nước và các điểm du lịch với đủ loại tranh phong cảnh, tĩnh vật do ông Phùng Trung Sáu là người trực tiếp tạo mẫu mã và truyền dạy nghề cho người dân địa phương. Từ năm 2001 đến nay, ông vừa học hỏi và sáng tạo được hơn 40 mẫu tranh các loại: Ngoài các loại tranh dân gian như: Đánh ghen, đám cưới chuột, hứng dừa, đấu vật, các con giáp, tranh tứ quý, phong cảnh, tĩnh vật..., ông Sáu còn sáng tạo thêm rất nhiều mẫu mã khác gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của nông thôn. Các bức tranh này luôn tạo nên cảm xúc thân thuộc, bình dị, đem lại sự tĩnh lặng tâm hồn cho người xem...

Tâm sự với chúng tôi, ông Sáu cho biết: Để tạo nên một bức tranh tre, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Mỗi bức tranh là một tác phẩm độc đáo, mang đậm chất dân tộc và tư duy sáng tạo của nghệ nhân. Từ khâu chọn tre và xử lý màu cật tre cũng phải thật cầu kỳ. Tre dùng làm tranh phải đảm bảo không được quá già hoặc quá non để tránh bị xơ hay nhăn; tre không sâu, đều ống. Sau đó, tre được chẻ và chỉ lọc lấy phần cật và xử lý bằng những phương pháp truyền thống: Đem ngâm nước trong 3 tháng để chống mốc, mối, mọt, co ngót và giữ nguyên màu sắc tự nhiên của tre. Để tạo màu vàng đem ngâm với vôi, màu xanh ngâm từ nước chế từ chính cây tre và một số hoạt chất khác, màu nâu và đen được tạo thành từ hun rơm hoặc gác bếp...

Mặc dù được tạo nên từ những mảnh cật tre ghép lại, nhưng những bức tranh tre mềm mại về đường nét, độc đáo về màu sắc và đặc biệt rất bền màu. Trước khi ghép tranh, người thợ phải phác hoạ hình vẽ trước, sau đó cắt trên giấy và ghép vào mảnh tre, phân loại rồi lắp chúng với nhau. Khó nhất vẫn là khâu chọn màu sắc. Nếu như ở các tác phẩm hội hoạ khác, màu sắc phụ thuộc vào hoạ sĩ thì ở tranh tre, nội dung của tác phẩm cần thể hiện còn phụ thuộc vào sự chọn lựa màu của tre. Ở loại hình nghệ thuật này, nếu thiếu năng khiếu thẩm mỹ, sự liên tưởng không gian và lòng say nghề thì khó tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh... Sự tinh xảo của mỗi mảnh ghép phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của mỗi người thợ. Để hoàn thiện một bức tranh tre, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ, tìm tòi, sáng tạo... Từ công đoạn cắt, tạo hình, phải dùng loại cưa rất nhỏ (dùng để cưa vàng, bạc...) cưa thành những mẩu như hạt gạo, hạt ngô... sau đó, mài rũa cho nhẵn bóng dán từng mảnh nhỏ vào giấy. Tiếp đến, dùng keo và băng dính để dán lên nền vải nhung, rồi dùng xăng hoặc cồn xử lý phần keo thừa, cuối cùng là làm sạch và đánh bóng... Để hoàn thành một tác phẩm, nghệ nhân lành nghề cũng phải mất 10-12 tiếng hoặc lâu hơn nữa, tuỳ từng kích cỡ và nội dung của bức tranh...

Tranh tre Cần Kiệm bình dị, nhưng thấm đẫm chất tinh tuý của hình tượng cây tre Việt Nam qua sự thổi hồn của nghệ nhân vào từng tác phẩm. Được làm thủ công, nên mỗi bức tranh là một nét độc đáo, thể hiện cái tôi sáng tạo riêng biệt. Dù vậy, tranh tre không hề đắt, chỉ cần từ 60.000đ-100.000đ là có thể sở hữu một bức tranh tre rất đẹp. Nhưng, dường như hiện nay, với nhiều người, tranh tre vẫn còn khá xa lạ. Chính vì vậy, thời gian gần đây, những bức tranh tre ở Cần Kiệm vẫn trong tình trạng không có "đầu ra"... "Có lẽ tôi phải chuyển sang làm nghề khác thôi vì hiện nay, không bán được tranh... Xót xa lắm, nếu như không duy trì được nghề này. Theo tôi, đây là một nghề đẹp và phù hợp với các vùng quê Việt Nam - nơi có sẵn nguồn nguyên liệu là những rặng tre quanh năm tươi tốt và nguồn lao động dồi dào. Nghề này, chỉ cần đào tạo thợ trong 3 tháng là có thể làm được..." - giọng ông Sáu trầm hẳn xuống khi nói về nguy cơ mai một của nghề tranh tre ở Cần Kiệm.

Chúng tôi đồng tình với ông, rằng đây là một nghề đẹp và có tiềm năng phát triển không chỉ ở Cần Kiệm. Nhưng để đạt được hiệu quả cao, cần có sự "vào cuộc" của các ngành chức năng, nhất là ngành Du lịch. Cần có sự đầu tư xứng đáng và tổ chức quy mô sản xuất theo hướng chuyên nghiệp trong quy trình làm tranh; Lập kế hoạch đào tạo đội ngũ nghệ nhân có năng khiếu và tay nghề điêu luyện; Cải tiến mẫu mã cho hợp thị hiếu du khách nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc và quan trọng hơn cả là khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Hy vọng, một ngày rất gần, trong các tour du lịch về với "Nam thiên đệ nhất động", "các vị La Hán chùa Tây Phương", chùa Thầy của phủ Quốc hay những địa danh nổi tiếng của "xứ Đoài mây trắng", du khách sẽ có món quà lưu niệm độc đáo là những bức tranh tre đẹp giản dị nhưng chứa đựng những thông điệp sâu sắc về đất và người Hà Tây để khi xa rồi khách còn nhớ mãi.
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến