Thứ sáu, 21/01/2011 - 11:24

Xuân Lai phát triển tiểu, thủ công nghiệp

Những năm gần đây, xã Xuân Lai (Gia Bình) xác định việc phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp (TTCN) là một trong những hướng đi quan trọng. Với thế mạnh có nghề đan mây tre truyền thống và nguồn lao động dồi dào, Xuân Lai đã chú trọng đầu tư phát triển sản xuất mây tre đan, nghề may công nghiệp, chiếu tre…

Giữ gìn nghề đan mây tre truyền thống

Nghề đan mây tre ở thôn Xuân Lai xã Xuân Lai có từ lâu đời, không ai nhớ chính xác nghề đã có tự bao giờ, nhưng theo các cụ cao tuổi trong làng, nghề có từ vài trăm năm trước vì khi họ lớn lên đã thấy cả làng làm thợ. Sản phẩm chính của làng nghề là đồ dùng sinh hoạt và dụng cụ sản xuất như: chõng tre, giường, tràng kỷ, thúng, rổ, rá… Trong những năm tháng chiến tranh, nghề truyền thống vẫn được duy trì phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương và một phần phục vụ cho kháng chiến. Trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, nhiều lúc nghề sản xuất đồ tre gia dụng ở đây tưởng không tồn tại trước sự xuất hiện hàng loạt các sản phẩm đồ gia dụng sản xuất công nghiệp bằng nhựa hay gỗ ép ... Không chịu để nghề truyền thống mai một, những người thợ tâm huyết đã ngày đêm tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm tre trúc. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu ấy, sản phẩm tre hun khói với những gam màu đen bóng tự nhiên đã ra đời đem lại những vẻ đẹp độc đáo trong trang trí nội thất, tôn vinh sắc đẹp tự nhiên, được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng.

Ông Lê Văn Xuyên , một trong những người có thâm niên làm nghề lâu năm cho biết: “Nghề tre trúc ở Xuân Lai có từ lâu đời và Xuân Lai là làng nghề tre hun khói độc đáo ở Việt Nam hiện nay. Với cách thức chế tác công phu, độc đáo, trước tiên, tre được ngâm kỹ dưới nước để bảo đảm độ bền, chống mọt và tăng dẻo dai. Sau đó, tre được nắn thẳng, bào, đẽo hết mấu đốt và xếp ngay ngắn vào lò. Dùng rơm trộn đất sét để hun tre, trúc. Lò được chát kín, chỉ có khói chứ không có lửa. Tuỳ vào sản phẩm mà thời gian hun ngắn hay dài tạo các màu nâu sẫm hoặc đen bóng. Sau đó mới chuyển sang chế tác sản phẩm…”.

Phát triển ngành nghề mới

Phát huy thế mạnh của nghề đan mây tre truyền thống, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Lai luôn có kế hoạch triển khai cụ thể để phát triển ngành nghề truyền thống, đồng thời đưa vào phát triển những ngành nghề mới để giải quyết việc làm cho nguồn lao động dồi dào. Trong đó, nổi bật là việc phát triển nghề may công nghiệp. Nghề xuất hiện ở Xuân Lai vào những năm 1995, 1996 do một số hộ đưa từ TP. Hồ Chí Minh ra và phát triển mạnh mẽ từ năm 2000. Ban đầu nghề chủ yếu tập trung ở thôn Xuân Lai, sau đó được phát triển rộng ra các thôn trong xã. Hiện nay, toàn xã có 60 hộ làm nghề may công nghiệp với 350 lao động và tạo việc làm gián tiếp cho hơn 500 lao động trong xã và các địa phương khác. Nhiều gia đình đã làm giàu nhờ nghề may như các hộ: Nguyễn Đình Chung, Lê Văn Xuyên, Nguyễn Kim Tỉnh, Nguyễn Đình Hiển...

Không chỉ tập trung phát triển những ngành nghề mới, người dân Xuân Lai không ngừng học hỏi để phát triển hơn nữa nghề mây tre đan truyền thống. Các sản phẩm mây tre của làng nghề ngày càng đa dạng với các sản phẩm mới như bàn, ghế kiểu dáng hiện đại; lọ hoa, móc vải, khắc, cạo tranh dân gian, tranh nghệ thuật… Sản phẩm của làng đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc và được xuất sang nhiều nước như: Thái Lan, Đài Loan, Nhật, Nga, Đức … Hiện nay, toàn thôn Xuân Lai có 826 hộ dân thì hơn 70% số hộ tham gia làm nghề tre trúc với 10 cơ sở sản xuất lớn và 2 hợp tác xã. Nghề truyền thống đã giải quyết cho hàng trăm lao động dư thừa trong thôn và các địa phương khác, đồng thời đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Một trong những hộ sản xuất lớn của thôn là cơ sở sản xuất của gia đình anh Lê Văn Xuyên với doanh thu hàng năm gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với mức lương trung bình từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành nghề TTCN, Xuân Lai luôn coi trọng công tác đào tạo nghề, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển thêm nghề mới. Trong năm 2009, xã đã phối hợp với các ban, ngành mở 9 lớp dạy nghề may, nghề đan mây tre xuất khẩu cho 270 lượt người. Nhờ đó, ngành nghề TTCN ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, ngày càng giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Xuân Lai. Năm 2005, toàn xã có 1.060 hộ tham gia sản xuất các ngành nghề TTCN, doanh thu đạt 14 tỷ đồng. Đến năm 2009 đã có 1.120 hộ tham gia sản xuất TTCN với mức doanh thu đạt 32,2 tỷ đồng chiếm 48% tổng thu nhập của xã, thu nhập bình quân đạt 1-1,4 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Nguyễn Kim Vượng, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết: “Phát triển ngành nghề TTCN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của ngành nghề mây tre đan cũng như các ngành nghề TTCN khác, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thị trường tiêu thụ không ổn định. Để các ngành nghề TTCN đi vào ổn định và phát triển bền vững cần sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành chức năng hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề đặc biệt là việc áp dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến