Thứ sáu, 21/01/2011 - 11:24

Mây tre đan: Liên kết xuyên biên giới

Nhiều vị khách nước ngoài đến VN đã tỏ ra “nghi ngờ” mặt hàng lụa vì họ có thể nhầm với hàng Trung Quốc. họ cũng dễ nhầm bạc VN với bạc Campuchia. nhưng tuyệt nhiên, không một ai trong số họ có thể nhầm mặt hàng mây đan truyền thống mang bản sắc rất riêng của VN.

 Chính vì thế, cây mây, cây tre không chỉ đi vào thơ ca, nhạc, hoạ, trở thành máu thịt trong đời sống sinh hoạt. mặt hàng này còn đang vươn dài cánh tay ra các nước và trở thành “đặc sản” trên thị trường thế giới.

Nguy cơ từ con người

Hàng năm, VN xuất khẩu khoảng 60% các sản phẩm mây tre vào thị trường châu Âu. Nếu như Lào và Campuchia là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu, thì VN là nơi sản xuất.


Có khoảng 50 loài mây sinh trưởng tại VN, Campuchia và Lào đã tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu phát triển. Hiện có hàng nghìn làng nghề sản xuất mây tre đan nằm dọc tiểu vùng sông Mekong, thuộc địa phận ba quốc gia VN, Lào và Campuchia. Thu nhập từ nghề này chiếm tới 50% thu nhập của nhiều người dân vùng nông thôn.

Tuy nhiên, các cánh rừng mây đang có nguy cơ cạn kiệt sẽ đẩy hàng vạn người làm nghề vào nguy cơ thất nghiệp, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia liên quan. Mà nguyên nhân quan trọng nhất là do cung cách khai thác và sản xuất truyền thống của người dân. Một nghiên cứu mới đây của tổ chức WWF Greater Mekong – Tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo vệ môi trường cho thấy có đến 55% lượng mây tre được sử dụng trong sản xuất đã lãng phí. Ông Thibault Ledecq – Giám đốc Chương trình mây của tổ chức này nói: “Ngành công nghiệp mây khu vực Đông Dương đang đối mặt với sự suy giảm số lượng về nguồn cung ứng mây nội địa do quá trình thu hoạch không bền vững”.

Nghiên cứu của WWF Greater Mekong cũng chỉ ra rằng, việc sản xuất mây tre đan truyền thống còn gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của người trực tiếp sản xuất và khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Các chất có tính độc tố cao như thuốc trừ sâu, chất đánh bóng bề mặt nhân tạo, hồ dán, xăng, dầu và các loại chất làm trắng… được áp dụng trong quy trình sản xuất truyền thống thường xả trực tiếp ra môi trường sau khi sử dụng, gây ô nhiễm môi trường và các vấn đề về sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, hơn 90% các sản phẩm mây hoàn chỉnh hiện nay đang sản xuất tại Campuchia và Lào không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và thiếu giấy phép. “Những thách thức này đã làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của ngành công nghiệp mây khu vực Đông Dương” – Ông Thibault Ledecq nói – “Việc áp dụng quy trình thu hoạch mây bền vững và sản xuất mây sạch sẽ tạo ra sự ổn định đời sống lâu dài cho người dân địa phương cũng như sẽ giúp cho việc bảo vệ rừng tốt hơn”.

Nối liền các quốc gia

Các giáo sư Đại học Sydney – Australia đã dự đoán thị trường thế giới về tre nứa có thể đạt đến 17 tỷ USD/năm vào năm 2017 so với 7 tỷ USD Mỹ hiện nay (Trung Quốc chiếm khoảng 5.5 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mây tre đan hiện nay của VN cũng khoảng 25% mỗi năm. VN cũng được cho là nước có lợi thế cạnh tranh hơn Trung Quốc về sản xuất các mặt hàng này do giá lao động trung bình của nước ta hiện nay khá rẻ. Hơn nữa, có một sự liên quan chặt chẽ trong quy trình sản xuất các sản phẩm mây tre đan giữa ba nước VN, Lào và Campuchia. Những quốc gia này đang đóng vai trò quan trọng trong ngành thương mại mây toàn cầu với việc cung ứng khoảng 90% nguồn mây nguyên liệu cho thế giới. Nếu như Lào và Campuchia là nơi cung ứng nguồn mây, thì VN là nơi sản xuất sản phẩm này. 40% sản phẩm mây của VN có nguồn gốc từ Lào.

Vì thế, việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu và sản xuất mây tre đan phải được tiến hành chặt chẽ và minh bạch từ cả ba quốc gia. Theo dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất bền vững các sản phẩm mây ở VN, Lào, Campuchia” trị giá 2,4 triệu EUR được WWF Greater Mekong triển khai mới đây thì người dân cả ba quốc gia này sẽ được tập trung huấn luyện vào giai đoạn trước chế biến và buôn bán mây… Dự án còn đặt tham vọng ngăn chặn đà suy giảm của 50.000 ha rừng mây của khu vực này và có ít nhất 40% DNNVV trong chuỗi cung ứng đạt mục tiêu là chủ động tham gia quá trình sản xuất các sản phẩm mây sạch và an toàn, 15% trong số các DN đó sẽ đạt mục tiêu là xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và thế giới những sản phẩm mây bền vững và thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực sản xuất mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng trong việc phát triển làng nghề truyền thống và ngành thủ công mỹ nghệ của VN. Và thúc đẩy liên kết VN, Lào, Campuchia sẽ tạo điều kiện cho người dân ba nước duy trì và phát triển loại hình kinh doanh mang tính “đặc sản” này. Chiếc “kiềng ba chân” – ba nước Đông Dương cũng sẽ thắt chặt quan hệ nhờ sự “nối dài” của những sợi mây!

Theo Doãn Hiền / DDDN

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến