Thứ sáu, 21/01/2011 - 11:24

Nghịch lý nghề mây tre đan

Rất nhiều nơi, nông dân học nghề mây tre đan xong không có việc làm hoặc thu nhập rất thấp, vậy mà tỉnh nào cũng đưa nghề này vào danh mục các nghề dạy cho nông dân.

Quá nhiều khâu trung gian

Ngay tại Thạch Thất (Hà Nội), nơi mà nghề mây tre đan đã phát triển khoảng 5 năm nay cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người dân học nghề xong thường nhận làm hàng cho một thương lái nào đó chứ không được nhận hàng trực tiếp từ cơ sở đặt hàng.Thời gian qua, huyện miền núi Quan Hoá, Mường Lát (Thanh Hoá) đã tổ chức khá nhiều lớp dạy nghề mây tre đan cho nông dân. Theo cán bộ địa phương, huyện miền núi thường chủ động được nguyên liệu nên sản phẩm có thể cạnh tranh hơn. Thực tế, bà Nguyễn Thị Hồ, mới làm nghề được 3 tháng, chia sẻ: Thương lái thu mua xong lại chuyển ra đầu mối, mối lại chuyển về các công ty mây tre đan ở Hà Nội, Hà Nam… Vì vậy, một sản phẩm phải qua tay rất nhiều đơn vị thu mua nên công xá rất thấp.

"Cơ sở đặt hàng trực tiếp công xá còn thấp, qua trung gian giá còn thấp hơn"- bà Bùi Thị Lụa, xã Thạch Xá (Thạch Thất) cho biết. Mẫu mã các sản phẩm may tre đan liên tục thay đổi, mỗi khi làm mẫu mới bà con lại phải đi học cả tuần mới biết cách làm.

Trong khi đó, công làm mỗi sản phẩm chỉ từ 5.000-10.000 đồng/sản phẩm. Mỗi ngày, một người làm cật lực 10 giờ cũng chỉ được khoảng 40.000- 60.000 đồng, thấp hơn rất nhiều nghề khác nên người dân không hào hứng.

Hiện, để giải quyết tạm thời vấn đề công xá thấp, UBND, Hội Nông dân huyện đang liên hệ với một số cơ sở chuyên thu mua các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu ở huyện Chương Mỹ, giúp nông dân bán sản phẩm "tận ngọn".

Không nên lúc nào cũng là "mây tre đan"

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thỉnh (Nam Định) cho rằng, mây tre đan là nghề thủ công mỹ nghệ dễ học, dễ làm nhưng không có nghĩa là có thể nhân rộng khắp mọi nơi vì "nghề nào cũng có kỹ năng, kỹ xảo, có mối bán hàng, có bạn hàng riêng...”.

Tại Hội thảo "Mỗi làng một nghề" vừa diễn ra ngày 15-12, cha đẻ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" của thế giới - GS Morihiko Hiramatsu (Nhật Bản), đưa ra 3 nguyên tắc và 6 kinh nghiệm mà Nhật đã áp dụng thành công để thực sự gây dựng được một nghề.

Đầu tiên, theo GS Morihiko Hiramatsu, các địa phương cần chọn được sản phẩm có cá tính, đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh nhất mà địa phương khác không có. Như vậy, việc dạy nghề nào, phát triển sản phẩm gì cần có sự tính toán nghiêm túc, kỹ lưỡng ở các địa phương, chứ không chỉ "huyện tôi có mây tre, tôi phát triển ngành mây tre đan".

Cũng theo ông Morihiko Hiramatsu, nghề gì cũng vậy, việc học bài bản là rất cần thiết. Để làm ra các sản phẩm nấm, rượu nổi tiếng, ông Morihiko đã xây dựng 6 trường học để dạy nông dân cách làm ăn.

Ông mời đến lớp những người làm thủ công, trồng nấm, nấu rượu... để chia sẻ cho bà con thành công, kể cả những thất bại để cùng tránh. Nhưng ở VN, những lớp học bài bản như vậy còn khá hiếm hoi, rất khó đòi hỏi người dân học 1-2 tháng nghề mây tre đan là làm được những sản phẩm tinh xảo.

Và khi chưa có sản phẩm tốt, độc đáo thì may lắm người dân cũng chỉ làm gia công theo kiểu "nay làm, mai nghỉ", khó có thể hình thành được một nghề thực sự.

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến