Chất liệu tre đã đi vào thơ ca, âm nhạc điêu khắc, hội họa... như một biểu tượng nghệ thuật độc đáo. Dường như hình tượng cây tre là nguồn cảm hứng bất tận để giới nghệ sĩ gửi gắm tâm hồn và tư duy sáng tạo trong nghệ thuật.
Từ lâu, hình tượng cây tre đã trở nên thân thiết đối với mỗi người Việt Nam. Nhắc đến cây tre, người ta lại nhớ tới hình ảnh của những làng quê. Cây tre đã được sử dụng làm nhiều vật dụng hữu ích, từ những đồ dùng đơn giản đến những
đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất. Nhưng, khó ai có thể ngờ rằng, cây tre đã được “thăng hoa” vào lĩnh vực hội họa. Vẻ đẹp tự nhiên của tre đã tạo nên sự nõn nà, hoang sơ, thuần khiết và thanh cao của bức tranh.
Nghệ thuật tranh tre Việt Nam tuy chỉ mới ra đời hơn chục năm nay, nhưng nó đã thực sự là một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đó là những bức tranh mô tả một phiên chợ quê, ngôi đình làng, hay cảnh sinh hoạt ở làng, rồi cảnh sắc, hoa lá… có bức lại là những chân dung người dân quê chân chất, giản dị. Tất cả là sự hòa quyện, kết hợp giữa tài năng sáng tác, phối màu của người họa sĩ với người chế tác ghép tre.
Để có một bức tranh tre cần phải qua ba công đoạn: thiết kế mẫu, tạo mẫu và sản xuất. Công đoạn chế tác tưởng như rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa trong đó nhiều bí quyết quan trọng. Để đưa vật liệu tre vào tranh, ông Xuân đã phải thực hiện hàng loạt các công việc một cách kiên trì. Sau những năm vất vả mày mò nghiên cứu trên hàng nghìn mẫu tre, trúc, ông đã tìm chọn những màu sắc, đường nét hoa văn tiêu biểu và bóc tách, đưa chúng thể hiện trên những tác phẩm tranh của mình. Tre dùng làm tranh phải đảm bảo không được quá già hoặc quá non để tránh bị xơ hay nhăn; tre không sâu, đều ống. Sau đó, tre được chẻ và chỉ lọc lấy phần cật. Những mảnh vỏ tre trước khi được gắn vào tranh vẽ đều được xử lý bằng những phương pháp truyền thống: đem ngâm nước trong 3 tháng để chống mốc, mối, mọt, co ngót và giữ nguyên màu sắc tự nhiên của tre trong mọi thời tiết.
Khó nhất vẫn là khâu chọn màu sắc. Nếu như ở các tác phẩm hội họa khác, màu sắc phụ thuộc vào họa sĩ, thì ở
tranh tre, nội dung của tác phẩm cần thể hiện còn phụ thuộc vào sự chọn lựa màu của tre. Để tạo màu vàng phải đem ngâm với vôi, màu xanh ngâm từ nước chế từ chính cây tre và một số hoạt chất khác, màu nâu và đen được tạo thành từ hun rơm hoặc bồ hóng... Trước khi ghép tranh, người thợ phải phác họa hình vẽ trước, sau đó cắt trên giấy và ghép vào mảnh tre, phân loại rồi lắp chúng với nhau. Vì thế, người họa sĩ và người chế tác ghép tre phải có cùng một cảm nhận về màu sắc, ý tưởng. Tùy theo tính năng sử dụng và mức độ tinh xảo của sản phẩm mà giá trị của tranh tre được nâng lên, có thể gấp nhiều lần.
Ở loại hình nghệ thuật này, nếu thiếu năng khiếu thẩm mỹ, sự liên tưởng không gian và lòng say nghề thì khó tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh... Sự tinh xảo của mỗi mảnh ghép phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người thợ. Để hoàn thiện một bức tranh tre đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ, tìm tòi, sáng tạo... Từ công đoạn cắt, tạo hình, phải dùng loại cưa rất nhỏ (dùng để cưa vàng, bạc...) cưa thành những mẩu như hạt gạo, hạt ngô...; sau đó, mài giũa cho nhẵn bóng, dán từng mảnh nhỏ vào giấy. Tiếp đến, dùng keo và băng dính để dán lên nền vải nhung, rồi dùng xăng hoặc cồn xử lý phần keo thừa; cuối cùng là làm sạch và đánh bóng... Hoàn thành một tác phẩm, nghệ nhân lành nghề cũng phải mất 10-12 tiếng hoặc lâu hơn nữa, tùy từng kích cỡ và nội dung của bức tranh... Người làm tranh tùy theo cảm hứng có thể khảm tre, trúc ở nền sơn mài, sơn dầu hoặc cót ép… tạo nên các bức tranh trên các thể loại khác nhau, có thể là tranh nhân bản, nghệ thuật hay dân gian.
Tranh tre thật sự là một món quà á Đông đặc sắc của những người yêu nghệ thuật. Có một bức tranh tre là bạn đã có một kỉ vật mang đậm hồn Việt mà Nguyễn Kim Xuân đã dành hầu hết cuộc đời mình để sáng tạo nên. Nhờ những cố gắng nỗ lực không ngừng, người nghệ nhân đã đưa dần tranh khảm tre, trúc đi vào đời sống như một ngành nghệ thuật mới mẻ chỉ có ở Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của những bức tranh lại do chính đặc tính tự nhiên của tre, trúc tạo nên, bình dị mộc mạc mà gợi cảm, nên thơ mà sâu lắng.